60% sinh viên du học Việt Nam theo học cao đẳng cộng đồng tại Mỹ: Có thể nói rằng cao đẳng cộng đồng tại Mỹ là một hệ thống đào tạo tương đối mềm và liên thông rộng, phù hợp với mọi thành phần, trình độ cũng như tài chính của sinh viên
Theo công bố mới nhất Viện nghiên cứu giáo dục quốc tế IIE, tỷ lệ sinh viên Việt Nam theo du học tại Mỹ xếp thứ chín thế giới (chiếm 12% trên tổng số sinh viên du học nước ngoài học tại Mỹ). Trong đó có 60% sinh viên du hoc Việt Nam theo học cao đẳng cộng đồng (Community Colleges - CC). Vì sao chương trình này lại có sức thu hút lớn như vậy?
Có thể nói rằng cao đẳng cộng đồng tại Mỹ là một hệ thống đào tạo tương đối mềm và liên thông rộng, phù hợp với mọi thành phần, trình độ cũng như tài chính của sinh viên, và đây là các trường đào tạo trên bậc phổ thông, mang tính chất hướng nghiệp. Thông thường, chương trình học của các trường này kéo dài hai năm, sau khi tốt nghiệp, sinh viên du học có thể tiếp tục nộp đơn theo học các chương trình đào tạo đại học bốn năm để nhận bằng cử nhân
Học cao đẳng cộng đồng sinh viên được gì?
Vì cao đẳng cộng đồng phục vụ cho nhu cầu chuyển tiếp lên các trường đại học bốn năm để lấy bằng cử nhân nên chương trình học cơ bản không khác nhiều so với chương trình giáo dục đại cương ở các trường đại học. Trong một nghiên cứu năm 1999 về tương lai của chương trình học CC, Genny Striplin nhận thấy rằng 54% chương trình học của CC trong thập niên 1990 là chương trình đại cương của các trường đại học bốn năm. Năm 2008, Arthur M. Cohen và Florence B. Brawer cũng xác nhận lại điểm này trong quyển sách của họ.
Ngoài ra, cao đẳng cộng đồng còn có những chương trình nghề chuyên môn ngắn hạn (vocational study) như các ngành Cán bộ y tế, Buôn bán nhà đất, Công nghệ thực phẩm... thường học trong khoảng từ 18 tháng tới hai năm. Sinh viên ra trường sẽ được cấp giấy chứng nhận và có giá trị để có thể xin việc làm. Hai năm đầu du học Mỹ là chương trình đại cương (general education/breadth education). Do đó, dù học đại học hay CC thì chương trình đại cương cũng tương tự nhau.
Đa số cao đẳng cộng đồng có tất cả các lớp đại cương cần thiết để giúp cho sinh viên du học chuẩn bị việc chuyển tiếp lên đại học và học chuyên ngành trong hai năm cuối. Một số cao đẳng cộng đồng lớn có cả những lớp đại cương dành cho sinh viên du học muốn theo học ngành khoa học hay kỹ thuật. Chưa kể, có những ngành không thể học ở đại học mà chỉ có cao đẳng cộng đồng mới có, chẳng hạn như ngành Cán bộ y tế (Allied Health). Có nhiều sinh viên Mỹ chọn học trợ lý y tế, trợ lý nha khoa, công nghệ X-quang, công nghệ y sinh học... tại cao đẳng cộng đồng. Sau hai năm ra trường, họ có thể xin việc làm ngay với mức lương khởi điểm từ 20-30 USD/ giờ.
Những khác biệt giữa học cao đẳng cộng đồng với cao đẳng và đại học
Ưu điểm của CC là chi phí học tập rẻ hơn các chương trình học khác rất nhiều. Trong khi học phí trung bình một năm học của trường đại học công lập ở Mỹ khoảng 10.000-15.000 USD, đại học tư khoảng 25.000-30.000 USD thì học tại CC chỉ tốn khoảng 5.000-7.500 USD/năm (bằng một nửa học phí của trường đại học công lập và ¼ của trường đại học tư).
Đây là bài toán kinh tế khiến nhiều người theo học cao đẳng cộng đồng. CC có lợi điểm là mỗi lớp học chỉ khoảng từ 20-30 sinh viên, so với đại học mỗi lớp có thể lên tới 100-300 sinh viên. Do lớp học tại CC tương đối nhỏ nên sinh viên có nhiều thời gian để tiếp xúc với giảng viên, được sự giúp đỡ từ giảng viên nhiều hơn.
Điểm khác biệt nữa là trình độ của sinh viên CC không đồng đều như ở đại học. Sinh viên theo học CC vì nhiều nguyên nhân: có nhiều người rất giỏi, nhưng không đủ tiền học nên học CC rồi chuyển sau hai năm. Cũng có người do sức học kém, không đủ khả năng vào đại học nên chọn CC. Có người đã có bằng đại học, nhưng muốn học CC để đổi ngành, hoặc để hoàn tất chương trình yêu cầu để nộp đơn học tại các trường dược, y tế, nha khoa...
Đăng ký lớp học CC vất vả hơn. Vì CC tạo điều kiện, mở rộng cho tất cả mọi người đăng ký học nên số lượng sinh viên học rất đông. Mặc dù mỗi sinh viên được sắp xếp ngày đăng ký lớp khác nhau, nhưng tình trạng đông đúc, phải chờ đợi vẫn xảy ra. Ở đại học, các trường quản lý chặt chẽ số lượng sinh viên học mỗi năm nên không xảy ra tình trạng đăng ký như CC.
Tuy nhiên, vì CC không quy định chặt chẽ về đăng ký hay bỏ lớp nên có khi đầu học kỳ lớp CC rất đông, nhưng sau đó thì thưa thớt dần. Điều này hiếm khi xảy ra ở đại học, vì luật lệ đăng ký lớp học chặt chẽ hơn. Điều này là điểm lợi, nhưng cũng là điểm bất lợi của CC: Lợi ở chỗ nếu lớp quá khó, có thể “drop out” mà không bị ảnh hưởng điểm số (GPA). Điểm bất lợi là nhiều khi cần lớp đó nhưng đăng ký không kịp, trong khi chắc chắn tới giữa học kỳ sẽ có nhiều ca “drop out” thì đã trễ, không thể vào học được.
Giáo sư dạy ở CC và đại học đều có khả năng và trình độ như nhau. Để dạy ở CC, giáo sư cũng phải có ít nhất một bằng thạc sĩ, một số giáo sư có bằng tiến sĩ, họ muốn dạy ở CC vì muốn giảng dạy hơn làm nghiên cứu. Có giáo sư vừa dạy ở cả CC và đại học.
Những điều cần lưu ý về thủ tục nhập học của CC
Nộp đơn xin học CC khá đơn giản. Hiện nay, hầu hết các trường đều sử dụng cách điền mẫu đơn trực tuyến nên sinh viên chỉ cần lên trang web của trường, tìm mục tab Financial aid/Scholarships/Apply online và làm theo hướng dẫn.
Thông thường mỗi trường có một mẫu đơn khác nhau, nhưng hầu hết đều yêu cầu bảng điểm cho đến thời điểm nộp đơn và một bài luận ngắn. Cũng nên biết thêm thông tin dạng hỗ trợ tài chính duy nhất mà học sinh quốc tế có thể nhận được từ trường là học bổng dựa trên năng lực (merit-based scholarship), tức dựa trên thành tích học tập xuất sắc hoặc tài năng, năng khiếu đặc biệt, và được tính thẳng vào tiền học phí hoặc chi phí ăn ở.
Giá trị hỗ trợ dạng này dao động từ 500 đến 5.000 USD. Số tiền này không đủ để chi trả toàn bộ học phí hoặc chi phí ăn ở, vì các trường cao đẳng không có nguồn hỗ trợ từ chính phủ và các tổ chức. Tuy nhiên, bạn không phải trả lại khoản hỗ trợ này sau khi tốt nghiệp.
Theo Doanh nhân Sài Gòn